Tự làm vườn rau trên sân thượng không lo bị thấm

Furniland - 21/06/2020 - 0 bình luận
Tự làm vườn rau trên sân thượng không lo bị thấm

Xu hướng tự làm rau trên sân thượng đang ngày một thịnh hành. Không chỉ là nguồn cung cấp rau sạch cho gia đình, việc trồng rau tại nhà còn đem lại sự tươi mát cho không gian sống.

Tuy nhiên, có một vấn đề thường xuyên gặp phải đó là tình trạng thấm nước mái nhà. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này? Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, KTS Nguyễn Văn Chương - Cty Kiến Trúc Chong Chóng đã có một số chia sẻ dưới đây.

Nên trồng những rau gì trên sân thượng?

Nếu bạn mới bắt đầu trồng rau trên mái nhà, bạn nên lựa chọn những giống rau ưa nắng, dễ trồng như rau muống, cải, xà lách, dền, mồng tơi, diếp cá và một số loại rau thơm...để trồng thử nghiệm. Với đặc tính ưa sáng, dễ phát triển, không mất nhiều công chăm sóc, bạn sẽ không mất nhiều thời gian, mà khả năng thu hoạch cao.

Khi đã có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn có thể tìm hiểu để trồng thêm một số loại cây dây leo như bầu, bí, dưa chuột, mướp đắng...Tuy nhiên, với các giống cây này, để cây dễ phát triển và đậu quả thì bạn cần làm giàn cho chúng.

Hướng dẫn các bước tự làm vườn rau trên sân thượng

Việc thiết kế một vườn rau xanh mát trên sân thượng tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại cần tính toán kỹ lưỡng ngay từ ban đầu. Để có một vườn rau sạch, xanh, trĩu trái, bạn có thể tham khảo các bước sau:

Bước 1: Trao đổi với KTS thiết kế, tính toán kết cấu và tải trọng đất vườn trên mái tác động lên công trình.

Bước 2: Chống thấm cho phần diện tích đất trồng. Bạn nên sử dụng vật liệu chống thấm tốt và đảm bảo kỹ thuật thi công.

Bước 3: Ngâm nước từ 5-7 ngày để kiểm tra chống thấm có đạt hay chưa.

Bước 4: Vệ sinh bề mặt chống thấm, cán xuôi về phễu thu bằng lớp hồ tốt.

Bước 5: Lắp đặt vỉ thoát nước. Lưu ý cần lắp vỉ thoát nước trên cả mặt sàn và thành để tránh đất tiếp xúc trực tiếp với bề mặt bê tông.

Bước 6. Phủ vải địa lên. Lưu ý vải địa trước khi làm phải kiểm tra không bị rách hoặc thủng. Ngoài ra nếu nối vải, phải gấp nhiều lần để tránh đất lọt qua.

Bước 7. Cho lớp đất cát dày 10cm lên vải địa. Sau đó trộn lớp đất cát này với xơ dừa và phân vi sinh lên phần đất còn lại. Ở khâu này, bắt buộc phải dùng đất cát. Tuyệt đối không dùng đất thịt hoặc đất bùn. 

Bước 8. Nên làm hệ thống tưới tự động cho rau và sân vườn. Có rất nhiều cách tưới khác nhau: Tưới nhỏ giọt, tưới phun sương...

Tu lam vuon rau tren san thuong 02

Kiểm tra hiện trạng sân thượng - nơi dự tính trồng rau

Tu lam vuon rau tren san thuong 03

Khâu xử lý ban đầu trước khi trồng cây
 

Cách chống thấm cho sân thượng trước khi trồng rau

Theo KTS Nguyễn Văn Chương chia sẻ “Xử lý chống thấm là khâu quan trọng nhất khi làm vườn rau trên mái. Không nên tiết kiệm chi phí ở khâu này”. Để xử lý vấn đề này, loại chống thấm chuyên dụng PU là vật liệu bạn nên sử dụng. Vật liệu này có giá thành cao nhưng đảm bảo được độ bền nếu sử dụng trong thời gian dài.

Sau khi lớp chống thấm PU đã được phủ lên trên, bạn nên xả thử nước và ngâm trong vòng 5 - 7 ngày để kiểm tra xem có vấn đề gì không. Trong trường hợp không có gì xảy ra, bạn cán thêm 1 lớp vữa nữa và quét lại lần cuối bằng CT11A trộn với xi măng và nước. 
 

Tu lam vuon rau tren san thuong 04

Công đoạn ngâm thử nước này thường kéo dài trong 5 -7 ngày

Tu lam vuon rau tren san thuong 05

Và đây là kết quả sau mấy tháng cải tạo và tiến hành trồng cây

Trong trường hợp, sân thượng không có mái che, bạn nên dùng lướt che nắng để hạn chế ánh nắng gắt hoặc những trận mưa xối xả ảnh hưởng tới cây trồng. Chúc bạn sớm có một khu vườn mong ước của riêng mình.

Nguồn: KTS Nguyễn Văn Chương (Cty Kiến Trúc Chong Chóng)

Top
x
img

Thêm vào giỏ hàng thành công

 

X