Những điều bạn cần lưu ý khi thiết kế phòng giặt căn hộ chung cư

Furniland - 07/04/2020 - 0 bình luận
Những điều bạn cần lưu ý khi thiết kế phòng giặt căn hộ chung cư

Người Việt trước đây không chú trọng tới không gian giặt giũ, thường bố trí tạm bợ ở những vị trí khuất nẻo trong nhà. 

Tuy nhiên, phòng giặt/góc giặt ngày càng được đề cao trong thiết kế nội thất hiện đại, đem lại sự thuận tiện cho gia chủ và giúp tổng thể ngôi nhà trở nên sang trọng hơn. Để giặt giũ không còn là việc nhà nhám chán, bạn nên lưu ý một số vấn đề cơ bản sau đây.

Sở hữu ngôi nhà diện tích rộng rãi, gia chủ thường sẽ thiết kế phòng giặt phơi, sấy, là ủi quần áo riêng biệt. Trong khi đó, đối với những căn hộ chung cư có diện tích khiêm tốn, chủ nhân có xu hướng tận dụng ban công, logia để bố trí góc giặt phơi vì vừa tiết kiệm diện tích, vừa thuận thiện cho sinh hoạt hàng ngày. 

Thế nhưng, để giữ cho ban công, logia thông thoáng, bài trí thành góc thư giãn, nhiều người chọn kê máy giặt trong góc phòng tắm hoặc thiết kế tích hợp với hệ tủ bếp.

Dù lựa chọn vị trí nào để bố trí phòng giặt/góc giặt cho căn hộ chung cư, bạn cũng nên tuân theo những nguyên tắc thiết kế, bài trí nội thất cơ bản để việc nhà này trở nên nhẹ nhàng, thú vị hơn. 

Lựa chọn vị trí phù hợp

Thiet ke phong giat 01

Phòng giặt riêng biệt

Một phòng giặt giũ, phơi phóng, là ủi riêng biệt là cần thiết nếu căn hộ rộng rãi. Theo đó, mọi công việc liên quan tới giặt ủi đều được thực hiện trong phòng giặt đồ. 

Phòng giặt sẽ trở nên chuyên biệt, gọn gàng với đầy đủ các công năng như giặt, phơi, sấy, là ủi, tủ đựng quần áo...

Với phòng giặt riêng biệt, bạn có thể thoải mái lựa chọn thiết bị giặt theo ý thích mà không bị giới hạn về trọng lượng, kích thước, màu sắc... góp phần mang đến cho cả gia đình không gian sống tiện nghi, tinh tế. Gia chủ thường bố trí phòng giặt ở phía cuối căn hộ, thuận tiện đấu nối hệ thống điện, nước.

Tận dụng ban công, logia

Trong bối cảnh "đất chật người đông" như hiện nay, xu hướng sở hữu nhà phố, căn hộ chung cư nhỏ hẹp ngày càng phổ biến. Với nhà có diện tích hạn chế, việc thiết kế riêng một phòng giặt là không khả thi. 

Trong trường hợp này, gia chủ nên kết hợp nơi giặt ủi với các phòng trong ngôi nhà, hoặc bố trí ở ban công, logia.

Thiết kế góc giặt ngoài ban công là ý tưởng không còn mới nhưng vẫn luôn hữu dụng, nhất là với căn hộ chung cư nhỏ, siêu nhỏ. Ban công thường đã có sẵn hệ thống thoát nước, ống dẫn nên việc giặt giũ, phơi phóng cũng thuận tiện hơn.

Tích hợp góc giặt với phòng bếp

Thiet ke phong giat 02

Trong phòng bếp, gia chủ thường bố trí máy giặt phía dưới kệ bếp và chọn loại máy lồng ngang, có chức năng khóa an toàn cho trẻ nhỏ.

Nếu phòng bếp nhà bạn thoáng đãng, còn dư một vài khoảng trống thì có thể xem xét bố trí thêm máy giặt sấy. Nhà bếp được xem là một trong những "ứng cử viên sáng giá" để đặt máy giặt bởi không gian phụ này đã có sẵn hệ thống dẫn, thoát nước. 

Bạn có thể đặt thiết bị giặt sấy trong hộc tủ bếp được thiết kế sẵn hoặc vị trí trống cạnh tủ lạnh sao cho hợp lý và thuận tiện khi sử dụng.

Tận dụng không gian trong phòng tắm

Thiet ke phong giat 03

Hiện nay, nhiều gia chủ thường bố trí khu giặt tích hợp trong phòng tắm bởi nơi đây được thiết kế sẵn đường cấp, thoát nước.

Phòng tắm hiện nay thường được thiết kế thành các khu vực chức năng riêng biệt như khu tắm đứng phân tách với khu vệ sinh, bồn rửa mặt, tủ lavabo bằng vách ngăn kính. 

Khéo léo một chút, bạn hoàn toàn có thể bố trí được góc giặt đồ tiện ích, đảm bảo an toàn ngay trong phòng tắm. Đối với các căn hộ nhỏ, việc đặt máy giặt trong phòng tắm vừa giúp tiết kiệm không gian, vừa thuận tiện trong giặt giũ. 

Sau khi thay quần áo, bạn có thể bỏ luôn vào máy giặt, đảm bảo cho phòng tắm luôn sạch sẽ, gọn gàng. 

 

Bài trí khoa học

Phòng giặt riêng biệt

Thông thường, phòng giặt riêng biệt sẽ gồm 5 khu chức năng: khu chứa đồ bẩn, giặt tay, giặt máy, khu là ủi và lưu trữ. Với khu chứa đồ bẩn, bạn hãy sắm 3 giỏ đựng với ba màu khác nhau hoặc cùng màu nhưng dán nhãn rõ ràng để các thành viên chủ động phân chia thành từng loại quần áo màu trắng, sáng; đồ sẫm màu; đồ mỏng nhẹ cần giặt tay.

Trong khi đó, đối với khu giặt máy, bạn cần đảm bảo cho không gian này luôn khô thoáng để máy không bị gỉ sét. Đồng thời, bạn nên bố trí nước giặt, nước xả vải tại khu này để tiện lợi sử dụng.

Với khu giặt tay, gia chủ thường bố trí ở góc riêng biệt, cẩn thận hơn sẽ có thêm vách ngăn thấp để ngăn nước bắn ra xung quanh khi giặt. 

Bạn chỉ nên sử dụng tối đa 3 chiếc chậu kích thước lớn, nhỏ khác nhau để khi không dùng tới có thể xếp chồng lên nhau giúp khu giặt tay luôn khô ráo, gọn gàng.

Nơi khô ráo, thoáng đãng nhất trong phòng giặt được dành cho khu vực là ủi và lưu trữ đồ. Bạn nên sử dụng một vài giỏ nhựa/mây để tiện lợi khi thu đồ khô, phân loại đồ cần là ủi trước khi đưa chúng về phòng của các thành viên.

Góc giặt phơi ở ban công, lô gia

Trước hết, bạn nên đặt máy giặt sát vào một góc ban công hoặc logia để đảm bảo việc di chuyển được dễ dàng. Cùng với đó, hãy thiết kế giàn phơi quần áo áp trần ban công, logia thay vì móc treo đồ di động choán hết không gian. 

Như vậy, bạn sẽ không mất công đi lại khi đặt máy giặt và giàn phơi tích hợp ở cùng một chỗ. Hơn nữa, với giàn phơi áp trần, quần áo của bạn sẽ nhanh khô hơn khi diện tích tiếp xúc với nắng, gió tăng lên.

Kinh nghiệm cho thấy, để góc giặt phơi nơi ban công luôn gọn gàng, thoáng đãng, chủ nhân nên tận dụng triệt để mảng tường trống ở ban công, logia để thiết kế giá kệ, tủ treo tường làm nơi cất trữ nước giặt, nước xả, móc phơi.

Bạn cũng có thể kết hợp giữa nơi giặt phơi với cây cảnh. Những chậu cây, hoa nhỏ xinh như sen đá, xương rồng, dạ yến thảo... treo trên lan can điểm tô nét duyên dáng, gần gũi với thiên nhiên cho không gian ban công, logia nhà bạn. 

Nếu ban công đủ rộng, hãy đặt thêm chiếc ghế tựa thư giãn... Với cách bài trí này, việc giặt phơi sẽ đỡ nhàm chán hơn.

Lưu ý, khi tận dụng ban công hoặc logia để bố trí khu giặt phơi, gia chủ nên sử dụng lưới thép để bao bọc khoảng không phía trên lan can để quần áo không bị bay mất khi có gió lớn, đồng thời đảm bảo an toàn, nhất là đối với trẻ nhỏ. 

Mặt khác, bạn cũng nên có những tấm vải hoặc áo trùm máy giặt để che chắn, bảo vệ thiết bị trước sự thay đổi của thời tiết.

Khu giặt phơi tích hợp với phòng bếp

Thiet ke phong giat 04

Gia chủ khéo léo bố trí máy giặt, sấy ở khoảng trống phía dưới đảo bếp đa năng.

Khu giặt tích hợp trong phòng bếp là thiết kế khá phổ biến đối với các căn hộ chung cư hiện nay nhưng sẽ có một số bất tiện như mùi dầu mỡ, thức ăn có thể bám vào quần áo hoặc bạn không thể là quần áo tại đây. 

Thế nhưng, nếu nhu cầu sử dụng chỉ đơn thuần là đặt máy đặt giặt kèm giá kệ để xà phòng, nước xả vải thì phương án này hoàn toàn khả thi. Thông thường, gia chủ sẽ đặt gọn gàng máy giặt dưới kệ bếp hoặc đảo bếp. 

Nếu chọn đặt máy giặt ở đây thì khi thiết kế tủ, kệ bếp bạn cần tính toán tới kích thước cao, rộng phù hợp với loại máy giặt lồng ngang muốn mua.

Lưu ý, gia chủ nên tránh đặt máy giặt gần khu vực bếp nấu bởi theo phong thủy nước (yếu tố Thủy) trong máy giặt sẽ xung khắc với lửa (yếu tố Hỏa) trên bếp. Bếp nấu bị tác động bởi những yếu tố bất lợi sẽ ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe, tài vận của gia chủ, đặc biệt là phụ nữ trong nhà.

Khu giặt tích hợp trong phòng tắm

Nhiều người cho rằng, góc giặt không nên đặt trong phòng tắm bởi khu vực chức năng này thường xuyên ẩm thấp sẽ làm giảm tuổi thọ của thiết bị điện tử. Chưa kể, khi vô tình tiếp xúc với nước, máy giặt và ổ điện dễ xảy ra chập điện. 

Độ ẩm cao cũng ảnh hưởng tới bộ phận cách điện, có thể khiến điện bị rò rỉ, nguy hiểm cho người dùng. 

Hơn nữa, với môi trường ẩm ướt, nấm mốc vi khuẩn sẽ có điều kiện sinh sôi, phát triển bên trong lồng giặt, gây ra các bệnh về da hoặc đường hô hấp.

Vậy nhưng, đối với căn hộ chung cư nhỏ hẹp, nếu bắt buộc phải đặt máy giặt trong phòng tắm, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề sau đây.

- Ngăn cách nơi tắm và giặt giũ riêng;
- Máy giặt nên đặt xa vòi hoa sen, khu vực thường xuyên dội nước;
- Bố trí ổ cắm điện, dây dẫn trên cao, cách xa mặt sàn, nguồn nước;
- Tránh dùng chung ổ cắm của máy giặt với những thiết bị khác;
- Bọc kín đường cấp điện, cấp nước, thoát nước;
- Thiết kế đường ống cấp nước, xả nước riêng để không chảy ra sàn phòng tắm;
- Máy giặt cần được đặt trên giá đỡ cao, chắc chắn, có bọc cao su giảm rung và cách lý với nước trên sàn phòng tắm.
- Thiết kế tủ, vách ngăn che chắn cho máy giặt;
- Nên có dây tiếp đất đề phòng hở điện.

Trang trí tươi vui

Đối với khu giặt phơi trong căn hộ chung cư, bạn không nhất thiết phải trang trí cầu kỳ, kiểu cách. Phong cách tối giản là lựa chọn phù hợp dành cho phòng giặt. 

Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn để phòng giặt/góc giặt trống trơn, đơn điệu. Giặt giũ sẽ không còn là công việc tẻ nhạt, nhàm chán khi bạn sở hữu khu giặt thoáng gọn, bài trí khoa học và đẹp mắt.

Phòng giặt riêng biệt nên được thiết kế nhất quán với phong cách tổng thể của ngôi nhà về màu sắc, hình khối, ánh sáng...

Tuy nhiên, nếu muốn tạo điểm nhấn khác biệt, bạn có thể sử dụng bảng màu nổi bật cho các bức tường, treo tranh nghệ thuật, lắp đặt thêm đèn LED trang trí.

Trong khi đó, cách đơn giản mà hiệu quả để mang đến vẻ đẹp tươi mới, sinh động cho khu giặt phơi ở ban công/logia, trong phòng bếp hoặc nhà tắm là đặt/treo một vài chậu cây cảnh xinh xắn. 

Thay vì màu trắng đơn thuần, bạn hãy sơn mới giá kệ, tủ đựng đồ tại khu giặt bằng những tông màu tươi sáng, nhẹ nhàng như xanh dương, xanh bạc hà, vàng chanh, tím oải hương... và làm tương tự như vậy với giỏ đựng đồ bằng nhựa hoặc mây tre đan.

Có thể nói, trang trí phòng/góc giặt phơi gia đình bằng màu sắc khác biệt không chỉ mang đến vẻ đẹp trẻ trung, tràn đầy sức sống mà còn góp phần phân tách khu vực này với các không gian chức năng khác.

Top
x
img

Thêm vào giỏ hàng thành công

 

X